Khu công nghiệp không được... tái sử dụng nước thải?

Việt Nam có dư địa rất lớn để phát triển các khu công nghiệp bền vững. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản cần tháo gỡ.

 

Phát biểu tại Diễn đàn Thúc đẩy phát triển bền vững khu công nghiệp (KCN) Việt Nam do VCCI tổ chức ngày 28-3, bà Vương Thị Minh Hiếu - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Khu kinh tế (Bộ KH&ĐT) cho biết, trong số 418 KCN đã được thành lập, có 298 khu đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 92,2 nghìn ha.

Như vậy, với khoảng 1/3 KCN chưa đi vào hoạt động, đây là dư địa rất lớn để Việt Nam phát triển bền vững và định hướng phát triển khu công nghiệp xanh, khu công nghiệp sinh thái trong thời gian tới.

Khu công nghiệp 1.jpeg
Bà Vương Thị Minh Hiếu - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Khu kinh tế (Bộ KH&ĐT) cho biết, Việt Nam còn dư địa rất lớn để phát triển khu công nghiệp bền vững. Ảnh: BTC

Khu công nghiệp phát sinh 550.000 tấn chất thải nguy hại mỗi năm

Trên thực tế, để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết tại COP 26, thì việc phát triển bền vững, chuyển đổi mô hình KCN truyền thống sang KCN sinh thái là vô cùng cần thiết.

Đặc biệt, việc này còn được đặt trong bối cảnh, sự phát triển các KCN thời gian qua đang bộc lộ những tồn tại, gây ô nhiễm môi trường và lãng phí tài nguyên thiên nhiên.

Như đại diện Bộ TN&MT thông tin, cả nước có 29 KCN đã đi vào hoạt động nhưng chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. KCN chưa có hệ thống nước thải nằm ở các tỉnh Hòa Bình, Lào Cai, Phú Thọ, Hưng Yên, Ninh Bình, Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, Bình Phước, Bạc Liêu, Cần Thơ, Đồng Tháp.

Nguyên nhân khiến KCN chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung được cho là do tỷ lệ lấp đầy thấp; chưa giải phóng được mặt bằng xây khu xử lý nước thải, thiếu vốn đầu tư...

“Cả nước có hơn 12.200 cơ sở hoạt động trong KCN, phát sinh hơn 4,2 triệu tấn chất thải rắn. Chất thải nguy hại phát sinh từ các KCN hàng năm khoảng 550.000 tấn. Các KCN tại Trung du miền núi phía Bắc phát sinh nhiều nhất, chiếm 45%”, đại diện Bộ TN&MT cho biết.

Phát triển KCN bền vững là cần thiết, nhưng còn rào cản

Bà Trần Thị Tố Loan - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn đầu tư Sao Đỏ - nhấn mạnh, để phát triển KCN bền vững, bên cạnh những rào cản như nhân sự, nguồn vốn, tài chính... thì cải thiện năng lực cũng như các quy định pháp lý của nhà nước cũng là một thách thức.

Hiện nay, rất nhiều quy định chưa rõ ràng, gây cản trở cho KCN trong việc chuyển đổi mô hình.

khu công nghiệp
Bà Trần Thị Tố Loan - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn đầu tư Sao Đỏ - nhận mạnh, để phát triển khu công nghiệp bền vững vẫn còn nhiều rào cản cần tháo gỡ. Ảnh: BTC

 

Bà Loan chia sẻ một ví dụ về nước thải. Hiện toàn bộ nước thải theo quy định đều phải xả thải ra ngoài môi trường thông qua hệ thống quan trắc và xử lý tự động, nghĩa là không được tái sử dụng trong KCN. Trong khi hiện nay, với công nghệ xử lý nước thải mới, nước thải sau xử lý hoàn toàn có thể dùng cho nhiều mục đích.

Hay như vấn đề rác thải, theo bà Loan, toàn bộ rác thải trong các KCN đều được đưa ra ngoài xử lý mà không có cơ chế báo cáo, đánh giá kết quả cuối cùng.

Theo PGS. TS Nguyễn Quang Tuyến - Đại học Luật Hà Nội - để hoá giải những thách thức, cần tập trung hoàn thiện khung pháp lý về phát triển KCN, khu kinh tế bền vững. Cụ thể hơn vai trò, vị trí của KCN, khu kinh tế trong quá trình công nghiệp hoá của đất nước; tăng cường phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước trên các lĩnh vực nhằm xây dựng Ban Quản lý KCN, khu kinh tế là cơ quan “đầu mối, tại chỗ” với quy trình thủ tục hành chính đơn giản.

MINH TRÚC/Theo PLO